MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG – MỤC TIÊU SỐ 6: ĐẢM BẢO ĐẦY ĐỦ VÀ QUẢN LÝ BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN NƯỚC VÀ HỆ THỐNG VỆ SINH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

24, tháng 02, 2023

Mục tiêu phát triển bền vững là mục tiêu phổ quát được đưa ra nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc [1]. Tháng 9 năm 2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc về phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững bao gồm 17 mục tiêu [1]. Thật vậy, Việt Nam đã quốc gia hóa từ Chương trình Nghị sự 2030 toàn cầu để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia thành Kế hoạch hành động quốc gia Việt Nam thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững  theo quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 và thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và địa phương đến năm 2030 theo nghị quyết số 136/NQ-CP được ban hành vào ngày 25/09/2020 [2]. 

Ảnh: MOST (2021)

Trong đó mục tiêu số 6 được đặt ra với mục đích nhằm đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người, bao gồm 6 chỉ tiêu [3]: 

6.1. Đến năm 2030, đạt được tiếp cận công bằng và phổ cập nguồn nước uống an toàn và có thể chi trả được cho tất cả mọi người. 

6.2. Đến năm 2030, đạt được điều kiện vệ sinh và cải thiện điều kiện vệ sinh đầy đủ và công bằng và xóa bỏ dịch tiêu chảy, chú ý đặc biệt tới các nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái và người khuyết tật và đối tượng dễ bị tổn thương; chấm dứt đi vệ sinh ngoài trời; 100% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh 

6.3. Đến năm 2030, cải thiện chất lượng nước, kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học; 100% nước thải nguy hại được xử lý; giảm một nửa tỷ lệ nước thải đô thị chưa qua xử lý; tăng cường tái sử dụng nước an toàn. 

6.4. Đến năm 2030, tăng đáng kể hiệu quả sử dụng nước trong tất cả các lĩnh vực, đảm bảo nguồn cung nước sạch bền vững nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm đáng kể số người chịu cảnh khan hiếm nước. Bảo đảm việc khai thác nước không vượt quá ngưỡng giới hạn khai thác đối với các sông, không vượt quá trữ lượng có thể khai thác đối với các tầng chứa nước. 

6.5. Đến năm 2030, thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, bao gồm cả nguồn nước xuyên biên giới thông qua hợp tác quốc tế. 

6.6. Đến năm 2030, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái liên quan đến nước. 

Đến năm 2025, lượng nước mặt nội sinh bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt 2.830 m3/người/năm, thấp hơn so với mức trung bình của thế giới là 4.000 m3/người/năm (theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường) [4]. Vì thế, nếu không có những chính sách có hiệu quả trong vòng 50 năm nữa, Việt Nam sẽ đối mặt với vấn đề thiếu nước trầm trọng khi mà tình trạng khô kiệt sẽ diễn ra trên diện rộng và ngày càng nhiều người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, dẫn đến ảnh hưởng tới sức khoẻ của người sử dụng và kéo theo hàng loạt hệ lụy khác [4].  

Nguồn tham khảo:  

[1]  MOST (14 tháng 10 năm 2021). “Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc và những điều chỉnh tại Việt Nam”, Bộ Khoa học và Công nghệ, truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2023 ,<https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/20811/muc-tieu-phat-trien-ben-vung-cua-lien-hiep-quoc-va-nhung-dieu-chinh-tai-viet-nam.aspx>  

[2] Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (16 tháng  năm 2021). “17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”, Bộ Công Thương Việt Nam, truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2023, <https://moit.gov.vn/tin-tuc/tiet-kiem-nang-luong/17-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-cua-viet-nam.html> 

[3] Thư viện pháp luật (2017). “Quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”, Thư viện pháp luật, truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2023, <https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Quyet-dinh-622-QD-TTg-2017-Ke-hoach-hanh-dong-quoc-gia-thuc-hien-Chuong-trinh-nghi-su-2030-348831.aspx> 

[4] Báo Đại biểu Nhân Dân (18 tháng 10 năm 2021). “Tọa đàm “Tài nguyên nước và vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng nước sạch””, Báo Đại biểu Nhân Dân, truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2023, <https://daibieunhandan.vn/moi-truong/Toa-dam-Tai-nguyen-nuoc-va-van-de-quan-ly-khai-thac-su-dung-nuoc-sach-i275102/>