Khánh thành Nhà máy nước sạch Quảng Châu – DNP Quảng Bình, mang nước sạch đến hơn 90 ngàn người dân “vùng khát” tại Quảng Bình
Sau hơn 10 tháng tích cực triển khai thi công, ngày 24/06/2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water) đã tổ chức lễ khánh thành và chính thức đi vào vận hành công trình nhà máy nước sạch Quảng Châu. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Bình với tổng mức đầu tư hơn 193 tỷ đồng, mang đến nguồn nước sạch, an toàn theo tiêu chuẩn Quốc gia cho hơn 90 ngàn người dân tại các “vùng khát” của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn
Đại biểu nhấn nút khánh thành Nhà máy nước Quảng Châu
Nằm ở khu vực phía Bắc của tỉnh Quảng Bình, một mặt giáp biển với chiều dài đường bờ biển hơn 35km, huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn chịu nhiều tác động của khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là tình trạng nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn khi triều cường xâm lấn, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước ngọt cho sinh hoạt của người dân. Cùng với đó, các nhà máy nước sạch hiện hữu cũng như điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng cấp nước còn gặp nhiều khó khăn, chưa được chú trọng đầu tư và cải thiện. Người dân nơi đây đã bộn bề gian khó, trong nhiều năm trở lại đây lại thêm gánh nặng, nỗi lo về nước sạch sinh hoạt.
Trước tình hình đó, ngày 27/11/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ký quyết định chủ trương đầu tư số 4506/QĐ-UBND, cho phép công ty CP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch Quảng Châu với mục tiêu phát triển, mở rộng hệ thống, cấp nước sạch cho hệ thống huyện lỵ mới huyện Quảng Trạch và các xã phụ cận, cấp nước tăng cường và tạo nguồn nước thay thế, đảm bảo cấp nước an toàn cho thị xã Ba Đồn. Dự án do công ty Cổ phần Đầu tư Hạ Tầng nước DNP Quảng Bình – một đơn vị thành viên của DNP Water làm chủ đầu tư.
Nằm trên địa bàn xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhà máy nước sạch Quảng Châu có tổng diện tích sử dụng đất: 19.819,78m2. Trong đó: khu vực công trình thu, trạm bơm nước thô có diện tích 2.213,70m2; khu vực nhà máy xử lý có diện tích 13.618,22m2; hệ thống giao thông đối ngoại có tổng diện tích: 3.987,87 m2. Nhà máy có công suất thiết kế 15.000 m3/ngày đêm, công suất mở rộng lên tới 30.000 m3 với thời gian khai thác 50 năm và sau đó có thể xin gia hạn thêm.
Tuyến ống nước thô của dự án có đường kính lớn lên tới DN500 mm với công suất truyền tải 15.000m3/ngđ dẫn nước thô về nhà máy xử lý nước sạch. Tuyến ống nước sạch với DN225mm đến DN500mm chạy dọc theo các tuyến đường liên xã sẽ là tuyến chính đưa nước sạch từ nhà máy về tới trung tâm huyện Quảng Trạch, các xã phụ cận và tăng cường cho Thị xã Ba Đồn. Sau khi hoàn thiện, nhà máy đảm bảo cấp nước thường xuyên, liên tục 24/24h cho người dân khu vực thị trấn mới huyện Quảng Trạch và 8 xã nằm dọc tuyến ống truyền tải thuộc huyện Quảng Trạch gồm Quảng Châu, Quảng Tùng, Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Kim, Quảng Hưng, Quảng Lưu, Quảng Tiến và Cấp nước tăng cường cho thị xã Ba Đồn. Dự kiến trong tương lai, nhà máy sẽ nghiên cứu, bố trí thêm tuyến cấp nước cho KCN Hòn La II (xã Quảng Phú) và KCN Cửa ngõ phía Tây khu kinh tế Hòn La.
Đặc biệt, dự án khai thác nguồn nước mặt từ hồ Vực Tròn, thay thế cho nguồn nước từ hồ Bàu Sen nay đã được chuyển đổi chức năng thành hồ cảnh quan, cùng với đó, chất lượng nước ngầm tại khu vực thị xã Ba Đồn cũng đang suy giảm nghiêm trọng và ngày càng ô nhiễm. Theo đánh giá từ các chuyên gia, với sức chứa 52,8 triệu m3 nước, hơn nữa hiện nay Bộ NN&PTNT đã phê duyệt dự án nâng cấp đập tràn, cửa xả để nâng dung tích hồ thêm khoảng hơn 10 triệu m3, hoàn thành trước năm 2025, đưa hồ Vực Tròn là nguồn nước ổn định, dồi dào nhất hiện tại của khu vực, có chất lượng ổn định và đủ khả năng cung cấp nước lâu dài, góp phần vào mục tiêu bảo vệ nguồn nước theo chủ chương của Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Bình.
Nhà máy sử dụng công nghệ tấm lắng Lamela (La men) kết hợp lọc trọng lực với công suất lớn, phương pháp xử lý hiện đại, đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Hệ thống SCADA tân tiến nhất hiện nay được áp dụng vào công tác quản lý, vận hành, đưa mức độ tự động hóa của dự án lên tương tự các nhà máy nước của các nước phát triển. Chất lượng nước sạch đầu ra đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất của Bộ y tế về tiêu chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT, tương đương tiêu chuẩn đang được áp dụng tại quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như là Nhật Bản
Đánh giá về dự án Nhà máy nước sạch Quảng Châu, ông Phan Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đây là một trong những dự án cấp nước sạch có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh tính tới thời điểm hiện tại với công nghệ hiện đại, tân tiến, khi đi vào vận hành sẽ tạo điều kiện cho người dân huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn tiếp cận được nguồn nước sạch, an toàn cho sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, góp phần thiết thực trong việc thực hiện tốt các mục tiêu của Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng huyện, xã nông thôn mới kiểu mẫu.”
Ban lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng đánh giá cao sự quyết tâm, thái độ làm việc khẩn trương của công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP Quảng Bình; sự nỗ lực, cố gắng của các nhà thầu thi công đã huy động tối đa nguồn lực, vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để tích cực triển khai hoàn thành dự án sớm hơn tiến độ đề ra. Cùng với đó, tỉnh cũng đề nghị các sở, ban ngành và địa phương tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm cho nhân dân được sử dụng nguồn nước sạch; góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương
Đại diện chủ đầu tư, ông Ngô Thành Chung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư hạ tầng nước DNP Quảng Bình cũng cam kết, sau khi đi vào vận hành, nhà máy nước sạch Quảng Châu sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực để đảm bảo chất lượng và lưu lượng nước, vận hành và mở rộng mạng lưới cấp nước theo đúng lộ trình, góp phần cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương.
Nguồn: DNP Holding