Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi tới năm 2030, tầm nhìn tới 2050
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đẩy nhanh việc lập Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi tới năm 2030, tầm nhìn tới 2050.
Đây là quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và thủy lợi, nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại lớn trong công tác phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi ở phạm vi quốc gia, mang tính liên vùng, liên tỉnh; gồm các giải pháp cho các giai đoạn trung hạn (đến năm 2030), dài hạn (đến năm 2050) và xa hơn.
Tổng kinh phí thực hiện Quy hoạch được dự kiến bởi Bộ NN&PTNT là khoảng 471.000 tỷ đồng cho các giải pháp công trình lớn, liên tỉnh và khoảng 203.000 tỷ đồng cho 3 chương trình cấp nước sạch nông thôn; cấp nước sinh hoạt, sản xuất trên các đảo đông dân cư; phát triển hệ thống hồ chứa nhỏ, phân tán để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, tưới cây trồng cạn
Sáng ngày 16/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang được báo Chính Phủ dẫn lời đề nghị Bộ NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ, trình Chính phủ xem xét phê duyệt Quy hoạch trong thời gian “sớm nhất có thể” tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi với các thành viên Hội đồng, các bộ, ngành, địa phương liên quan
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch, báo Nhân Dân dẫn lời Phó thủ tướng phát biểu (ngày 17/2/2023) Quy hoạch phòng, chống thiên tai là công việc cấp thiết để phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn.
Biến động mạnh về nguồn nước trên các lưu vực sông, khí hậu, thiên tai và nhu cầu của các ngành kinh tế-xã hội đặt công tác phòng, chống thiên tai và thủy lợi hiện nay trước nhiều thách thức lớn.
Thật vậy, sự phát triển với tốc độ nhanh và lan rộng trên phạm vi cả nước của công nghiệp hóa và đô thị hóa đang gây nhiều tác động tiêu cực, như thay đổi dòng chảy tự nhiên, hạ thấp mực nước trên các dòng sông, gia tăng ô nhiễm nước, cản trở khả năng tiêu, thoát lũ làm tăng ngập úng, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó trong khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế, việc đầu tư dàn trải, chưa đồng bộ theo quy hoạch trong thời gian qua dẫn đến hiệu quả chưa cao, thì nhu cầu về vốn đầu tư cho xây dựng công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng, chống ngập, úng đề xuất trong các quy hoạch thủy lợi, đê điều lại rất lớn.
Nguồn: Hội cấp thoát nước Việt Nam
Tag: nước sạch, thủy lợi