10 sự kiện nổi bật của ngành Cấp Thoát nước Việt Nam năm 2023

15, tháng 01, 2024

Năm 2023 đã khép lại với những cột mốc đáng nhớ; vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) cùng các Hội viên đã luôn đồng hành cùng ngành Cấp Thoát nước và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển chung của đất nước.

Sau đây là điểm lại những sự kiện nổi bật nhất của VWSA trong năm 2023:

1. Tích cực tham gia xây dựng Dự thảo Luật Cấp thoát nước

Ngay từ đầu năm, các đơn vị từ Bộ Xây dựng, VWSA cho đến các doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động tích cực chuẩn bị xây dựng Dự thảo Luật Cấp thoát nước (CTN). Bộ Xây dựng được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, soạn thảo Luật CTN. Bộ đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan, các tổ chức Quốc tế và VWSA để lấy ý kiến, đóng góp trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật. Với vai trò là tổ chức đại diện quyền lợi của các đơn vị hội viên là các Doanh nghiệp ngành Nước, VWSA đã tích cực, chủ động tham gia và tư vấn kỹ thuật trong quá trình xây dựng Luật. Hội đã triển khai những hoạt động cụ thể gắn với xây dựng Luật như tổ chức nhiều Hội thảo về chủ đề Luật CTN Việt Nam với sự tham gia, phối hợp của Bộ Xây dựng, các Bộ ngành liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ KHĐT, Bộ TNMT, Bộ Y tế,… và các tổ chức quốc tế như Hội Nước Quốc tế (IWA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Riêng Hội Nước Quốc tế đã chủ trì tổ chức cuộc họp trực tuyến với các chuyên gia thể chế chính sách quốc tế và Việt nam thảo luận về kinh nghiệm và nội dung nên được xem xét trong Luật Cấp Thoát Nước của Việt nam.

Chủ tịch VWSA Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng: Những bất cập của ngành Nước chỉ được giải quyết khi Luật CTN được ban hành.

Ngày 17/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2023. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận, xem xét, cho ý kiến về đề nghị xây dựng các dự án luật, trong đó có Luật CTN. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, Nghị quyết Phiên họp, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp tổng hợp đề nghị xây dựng Luật CTN vào đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2025, trình Chính phủ theo quy định.

Trong năm, VWSA cũng tích cực tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

2. Tổ chức thành công sự kiện tâm điểm của ngành Nước Việt Nam – Tuần lễ ngành Nước Việt Nam – Vietnam Water Week 2023

Sáng 28/9/2023, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Thành phố mới Bình Dương (WTC EXPO), tỉnh Bình Dương, Tuần lễ ngành Nước Việt Nam (Vietnam Water Week 2023 – VWW 2023) với chủ đề “Nước vì chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững” đã chính thức khai mạc trọng thể.

VWW 2023 diễn ra trong ba ngày từ 28/9 đến 30/9 với sự tham dự của đông đảo đại biểu đại diện các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước trong lĩnh vực CTN, cùng sự có mặt của 30 tổ chức quốc tế đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều hoạt động sôi nổi, trong đó điểm nhấn đáng chú ý là chuỗi hội thảo quốc tế tập trung vào cách vấn đề đang nóng của ngành CTN như: Dự thảo Luật CTN; Thoát nước và xử lý nước thải vì sức khỏe cộng đồng và môi trường; Các giải pháp thích ứng và với biến đổi khí hậu; Khoa học công nghệ và đào tạo nâng cao năng lực ngành nước Việt Nam…Tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã đánh giá cao vai trò và sáng kiến của VWSA trong việc tổ chức VWW 2023 phù hợp với chủ trương quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị gắn liền với phát triển hạ tầng CTN an toàn, bền vững, thích ứng an toàn với biến đổi khí hậu của Chính phủ trong thời gian tới. Các phiên thảo luận chính trong Tuần lễ nước kết hợp triển lãm của gần 200 gian hàng mang lại nguồn thông tin có giá trị cao, các sản phẩm khoa học công nghệ hiện đại được giới thiệu tại triển lãm sẽ giúp các địa phương phát huy năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CTN an toàn, bền vững.

Tiếp nối thành công của sự kiện VWW 2023, VWSA đã công bố Vietnam Water Week 2024 (VWW 2024) sẽ được tổ chức từ 06-08/11/2024 tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia, Số 01 Đỗ Đức Dục, Hà Nội.

3. Sôi nổi các hoạt động Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (1988-2023)

Ngày 08/6/2023, tại Quảng Ninh, VWSA đã long trọng tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (1988-2023).

Trong suốt chặng đường 35 năm đồng hành cùng ngành Nước Việt Nam, VWSA luôn cố gắng xây dựng vị thế là một tổ chức trung gian, kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Từ ngày đầu thành lập với chỉ có 31 hội viên, đến nay VWSA đã tập hợp và đoàn kết được gần 400 Hội viên là các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong mọi mặt, mọi lĩnh vực của ngành Nước để cùng cất một tiếng nói chung, phản ánh quan điểm chung về những vấn đề quan trọng nhất của Ngành. Nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa Hội và các cơ quan quản lý, cơ chế chính sách và quy hoạch ngành Nước của Việt Nam đang dần được sửa đổi, cải thiện với tiêu chí hài hòa lợi ích giữa việc đảm bảo nhu cầu, đời sống dân sinh với việc phát triển kinh tế.

Tổng công suất cấp nước đô thị tại Việt Nam đến nay đã tăng lên 11,2 triệu m3/ngày đêm, từ 1,6 triệu m3/ngày đêm năm 1988; trong khi đó tỷ lệ thất thoát, thất thu nước giảm xuống 17,5% từ 35% năm 1988.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã đánh giá cao những đóng góp của VWSA tới việc xây dựng thể chế, chính sách ngành Nước, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân Việt Nam và hy vọng VWSA sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Hội, không ngừng đổi mới, là cầu nối gắn kết cho sự nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu phức tạp của ngành Nước Việt Nam.

Cũng trong năm 2023, với tinh thần “Đoàn kết – Trách nhiệm – Chia sẻ – Cùng phát triển”, Chi hội Cấp Thoát nước miền Bắc đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ XXI và bầu ra Ban chấp hành khóa mới. Trong năm, các Chi hội Cấp Thoát nước miền Nam, Chi hội Cấp Thoát nước miền Trung & Tây Nguyên đã kiện toàn, tổ chức Đại hội Chi hội thống nhất bầu Ban chấp hành và đi vào hoạt động ổn định.

Để chào mừng các sự kiện quan trọng của ngành Cấp Thoát nước, nhiều đơn vị đã tổ chức các giải thi đấu thể thao như: bóng đá, tenis, đua xe đạp, golf…thu hút sự sự tham gia của hàng trăm vận động viên là các CBCNVC, người lao động trong ngành, tạo nên không khí thi đua sôi nổi, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó vì mục tiêu phát triển chung của toàn Ngành.

4. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và VWSA ký biên bản ghi nhớ về tài trợ vốn, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho ngành CTN, xử lý nước thải tại Việt Nam

Ngày 28/9/2023, tại tỉnh Bình Dương, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm tăng cường hợp tác thúc đẩy ngành nước bền vững và bao trùm tại Việt Nam.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhiều năm qua đã là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là cho ngành Nước của Việt Nam với cam kết thúc đẩy một châu Á – Thái Bình Dương an toàn nguồn nước và có khả năng chống chịu bằng các mối quan hệ đối tác và các công cụ tài chính để giải quyết những thách thức về an ninh nguồn nước trong khu vực. Với những thành công của hợp tác giữa ADB và VWSA qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt tập trung vào các hoạt động về hội thảo tri thức, chuyển giao kiến thức. Khởi đầu hoạt động hợp tác giữa 2 bên sẽ phối hợp để nâng cao năng lực với các thành viên VWSA được chọn để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực nước và thúc đẩy bình đẳng giới trong nửa đầu năm 2024.

ADB đã và đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho ngành Nước của Việt Nam như thông qua cơ chế 1 tỷ USD tài trợ đa đợt hỗ trợ Chương trình Đầu tư ngành nước Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020. Chương trình đã mang lại lợi ích cho các công ty cấp nước ở các tỉnh, thành phố tham gia chương trình này như Bình Dương, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Thái Nguyên, và Thừa Thiên Huế.

Việc VWSA và ADB tham gia ký kết Biên bản Ghi nhớ (MOU) được kỳ vọng là động lực thúc đẩy, phát triển ngành Nước bao trùm, hiệu quả; nhằm tiếp tục củng cố mối quan hệ bền chặt, gắn bó giữa hai bên trong quá khứ.

5. Hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển lớn mạnh của VWSA và các đơn vị Hội viên

Xác định tài nguyên nước là hữu hạn, các quốc gia cần hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn nước an toàn, bền vững, tại lễ khai mạc VWW 2023, VWSA đã tích cực tham gia với vai trò là thành viên điều phối của Hiệp Hội ngành nước Quốc tế (IWA) vào các hoạt động.

VWSA cũng tham gia tích cực với vai trò là thành viên của Hiệp hội ngành Nước các quốc gia Đông Nam Á (SEAWUN). Một hoạt động có ý nghĩ tại Lễ khai mạc VWW 2023 là sự kiện Lễ ra mắt đại diện các thành viên của SEAWUN với sự hiện diện của Chủ tịch Hội Nước 6 quốc gia thành viên gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore và Cuộc họp lần thứ 2 của SEAWUN cùng nhau thảo luận về cơ chế hợp tác hiệu quả, thể hiện tinh thần đoàn kết, cam kết chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý nước thải.

VWSA đã tích cực hợp tác với các tổ chức Quốc tế có uy tín hỗ trợ cho ngành Nước của Việt nam như WB, ADB, WHO, JICA, GIZ….trong các hoạt động tham vấn về thể chế chính sách ngành nước mà trọng tâm là xây dựng Luật CTN, Luật Tài nguyên Nước sửa đổi.

Hợp tác chặt chẽ và triển khai thành công các Chương trình Hợp tác giữa VWSA và các Tổ chức quốc tế: Chương trình Nâng cao năng lực giữa VWSA và Hội Nước Úc (AWA) trong đó có Chương trình ghép đôi giữa các Công ty Nước Úc với các Công ty CTN tại Hòa Bình, Cần thơ và Phú Thọ cũng như nâng cao năng lực cho VWSA; Đào tạo Nâng cao năng lực cho một số Doanh nghiệp Hội viên trong hợp tác với Diễn đàn Nước Phần lan; Chương trình hợp tác với Hội Nước Hungary, Thành phố Lepzich trên các lĩnh vực tham vấn về thể chế chính sách, đào tạo nâng cao năng lực, truyền thông…

Hiệu quả hợp tác với các Tổ chức quốc tế được thể hiện rõ nét tại các chương trình hợp tác kỹ thuật về thoát nước giữa thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) và thành phố Hải Phòng (giai đoạn 2017-2023) của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng (SADCO) và Cục Cấp thoát nước thành phố Kitakyushu ; Triển khai thành công dự án thoát nước và xử lý nước thải vay vốn của ADB bằng phương thức không bảo lãnh tại BIWASE vv…

6. Nhiều doanh nghiệp ngành CTN đoạt các giải thưởng có ý nghĩa, khẳng định sự ghi nhận của các tổ chức xã hội đối với những nỗ lực, sáng tạo và đóng góp tích cực của các DN cho sự phát triển của đất nước: BIWASE vinh dự nhận danh hiệu xuất sắc tiêu biểu ở hạng mục “Chất lượng môi trường đô thị” tại Lễ trao giải thưởng quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ III (VUPA2022); Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) đã vinh dự nhận giải thưởng Top 10 doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Lễ trao thưởng “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại thành phố Đà Nẵng 2023”; Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (UDC) đã vinh dự đón nhận Giải thưởng Sáng tạo lần thứ III năm 2023 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng; Công ty Cổ phần iLotusLand Việt Nam – công ty con trực thuộc Việt An Group, chuyên cung cấp các giải pháp trong Quản lý và giám sát dữ liệu quan trắc môi trường trên nền tảng Web và Mobile (Android, iOS…) đã vinh dự đạt giải thưởng Sao Khuê vv…

7. Hoạt động sáp nhập và mua bán (M&A) ngành Nước bùng nổ

Sau một thời gian chững lại, trong năm 2023, ngành Nước đang chứng kiến sự bùng nổ các thương vụ mua bán – sáp nhập trên thị trường vốn, đưa Việt Nam trở thành trung tâm của thị trường M&A ngành Nước châu Á.

Dù nhu cầu tiêu thụ nước chỉ tăng trưởng ổn định ở mức 5-8% hằng năm, nhưng theo SSI Research, các công ty cấp nước có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong ngành có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành thông qua M&A.

Gần đây nhất, Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE) mua lại 2 công ty cấp nước tại Cần Thơ. 2 thương vụ mua lại 48,86% cổ phần của Cấp nước Cần Thơ 2 với giá 3 triệu USD và 24,64% cổ phần của Cấp thoát nước Cần Thơ với giá 6,2 triệu USD cho phép Biwase mở rộng kinh doanh tại thành phố lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, theo Global Water Intelligence.

Dự báo từ nửa cuối năm 2023 – 2025, khi lãi suất và lạm phát được điều chỉnh hợp lý, hoạt động M&A sẽ phục hồi mạnh, nhất là ngành xây dựng và bất động sản. Nhiều chuyên gia nhận định theo mô hình tăng trưởng M&A, làn sóng này sẽ mang tới kỳ vọng tăng trưởng kinh tế triển vọng cho các doanh nghiệp lớn ngành Nước.

8. Điều chỉnh giá nước sạch tại một số địa phương

Nước sạch là sản phẩm thiết yếu cho xã hội, phục vụ đời sống nhân dân. Giá nước sạch sinh hoạt do Nhà nước định giá và được Nhà nước hỗ trợ các cơ chế chính sách phù hợp nhằm phục vụ cộng đồng tốt hơn. Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế khó khăn, giá vật tư đầu vào tăng, giá tiêu thụ nước sạch hiện hành thấp hơn chi phí bỏ ra, đẩy giá nước trở thành giá bao cấp cho các ngành sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng có sử dụng nước sạch, các doanh nghiệp cấp nước gặp nhiều khó khăn.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 3541/QĐ-UBND (ngày 7-7-2023) phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt điều chỉnh tăng theo 2 lộ trình là: 6 tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Phương án điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt xây dựng với từng nhóm khách hàng sử dụng nước khác nhau.

Sau gần 10 năm không tăng giá nước sạch, giá nước của Hà Nội được tăng theo lộ trình trong năm 2023 và 2024. Việc điều chỉnh giá nước sạch tại thời điểm này là cần thiết nhằm nâng cao năng lực, chất lượng nước sạch của Thủ đô, khi nước sạch luôn là vấn đề “nóng”, đặc biệt là những ngày nắng nóng.

Theo Sở Tài chính Hà Nội, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ 10 – 20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ 20 – 30 m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3 (hộ/tháng).

Việc xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thành phố là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tế, khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm và chủ trương của nhà nước trong việc quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh nước sạch.

9. Tăng cường quản lý cấp nước ở Hà Nội và nhiều địa phương

Trước phản ánh về tình trạng nước sạch cấp cho khu đô thị Thanh Hà không bảo đảm chất lượng, mất nước sạch cục bộ, ngày 16/10/2023, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản 8311/SXD-HT đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp, bảo đảm cấp nước ổn định cho Khu đô thị Thanh Hà.

Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị Công ty Nước sạch Hà Đông phối hợp với Công ty CP Nước mặt sông Đuống, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà, Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5, Công ty CP Nước sạch Thanh Hà, Công ty CP Nước sạch Nam Hà Nội điều tiết nguồn cấp ổn định cho Khu đô thị Thanh Hà với sản lượng khoảng 2.000m3/ngày đêm (từ nguồn Nhà máy nước sông Đuống, các trạm cấp nước do Công ty TNHH Nước sạch Hà Đông quản lý) thông qua hệ thống cấp nước do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông quản lý.

Về lâu dài, để bảo đảm cấp nước ổn định cho Khu đô thị Thanh Hà, Sở Xây dựng đề nghị Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 phối hợp Công ty CP Nước sạch Thanh Hà khẩn trương xây dựng kế hoạch cải tạo Trạm cấp nước cục bộ trong Khu đô thị Thanh Hà bảo đảm công suất thiết kế và chất lượng theo tiêu chuẩn QCVN 01-1:2018 của Bộ Y tế, hoàn thành trước ngày 31/1/2024; thực hiện công tác nội kiểm, thông báo công khai cho người dân, báo cáo gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và các cơ quan có thẩm để giám sát theo quy định trước khi cấp nước cho người dân.

Sự việc đặt ra nhiều bài toán cần phải giải quyết, tháo gỡ trong quản lý đô thị, từ quy hoạch, kế hoạch cho đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phối hợp, đồng bộ với các cơ quan QLNN và các doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

10. Triển khai thành công Chuyển đổi số tại nhiều Doanh nghiệp ngành Nước

Xác định chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để cung cấp nước sạch cho cộng đồng liên tục, an toàn, ổn định với chất lượng ngày càng tốt hơn chính là nền tảng quan trọng, lâu dài mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế và đem lại sự thuận tiện, hài lòng cho khách hàng là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp.

Để đạt được mục tiêu đó, trong quá trình CĐS, nhiều đơn vị Cấp nước, Thoát nước đã và đang tập trung hoàn thiện các giải pháp phục vụ công tác quản lý điều hành, quản lý mạng lưới và quản lý khách hàng; Triển khai ứng dụng mạnh mẽ nhiều giải pháp như: trí tuệ nhân tạo AI; Quản lý khách hàng theo định danh điện tử; Chăm sóc khách hàng trên nền tảng di động, cung cấp dịch vụ trực tuyến, trung tâm chăm sóc khách hàng giúp người dân tiếp cận dịch vụ cấp nước một cách nhanh chóng, kịp thời; Hệ thống giám sát tự động có tính linh hoạt cao, tuân thủ tuyệt đối về an toàn an ninh mạng, phát triển hệ thống cấp nước thông minh; Hệ thống văn phòng điện tử áp dụng chữ ký số nhằm quản lý, xử lý hồ sơ theo một quy trình xuyên suốt, liên thông văn bản với Sở, ban, ngành; Đầu tư thiết bị thông minh trên mạng lưới cấp nước, xây dựng, triển khai giải pháp ứng dụng quản lý toàn bộ hạ tầng mạng lưới cấp nước với trung tâm điều hành tổng thể hiện đại; Sử dụng GIS để theo dõi và quản lý hệ thống mạng lưới cấp nước giúp nâng cao hiệu suất, tiết kiệm tài nguyên; Đồng thời ứng dụng di động, chatbot, cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin, hỗ trợ khách hàng trải nghiệm tốt hơn, tiết kiệm thời gian cho khách hàng;

Trong công tác quản lý vận hành, tập trung sử dụng các cảm biến để giám sát chất lượng nước, lưu lượng áp lực, thất thoát nước, tình trạng thiết bị; đồng thời kết hợp dữ liệu từ IoT phân tích, dự đoán sự cố, từ đó tối ưu hóa vận hành mạng lưới hướng đến xây dựng một hệ thống điều khiển vận hành mạng lưới cấp nước hoàn toàn tự động; Cùng với đó các doanh nghiệp cũng xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu để lưu trữ, phân tích, quản lý, theo dõi thông tin liên quan phục vụ công tác chăm sóc khách hàng, quản lý mạng lưới và điều hành.

Quá trình CĐS hiện được nhiều doanh nghiệp trong ngành CTN mạnh dạn triển khai đang dần thay thế hoạt động thủ công trước đây và các ứng dụng CĐS sẽ góp phần tăng năng suất lao động, mang lại giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn./.

Nguồn: Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam