Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông năm 2024: Nước cho mọi người

12, tháng 03, 2024

Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông năm 2024 có chủ đề “Nước cho mọi người” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận nguồn nước trong cuộc sống bởi nước là sự sống và có ý nghĩa cho tất cả mọi người.

Tháng 3/1997, các đại diện từ 20 quốc gia tham gia Hội nghị quốc tế đầu tiên về con người bị ảnh hưởng bởi các con đập, tổ chức tại Brazil đã quyết định lấy ngày 14/3 là Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông. Đây là dịp các quốc gia cùng chung tiếng nói bảo vệ các dòng sông – mạch sống của các hệ sinh thái; đề ra những chính sách quản lý công bằng, phát triển bền vững.

Sông là hệ sinh thái quan trọng cung cấp thức ăn cho nhiều loài thực vật, côn trùng và cá. Ranh giới ven sông có tầm quan trọng đặc biệt đối với hệ sinh thái sông vì đây là nơi hầu hết động vật và thực vật tìm nơi trú ẩn nhưng cũng là khu vực dễ bị tổn hại nhất do xói mòn. Các dòng sông, ngoài chức năng cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, tưới tiêu, vận tải, còn cung cấp nguồn năng lượng, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, bồi tụ vật liệu cát xây dựng và phù sa cải tạo đất.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Các sông suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước với tổng diện tích lưu vực khoảng 1.168.420 km2, trong đó 837.430 km2 (chiếm 71,7%) nằm ở nước ngoài, chỉ có 330.990 km2 (chiếm 28,3%) diện tích lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta.

Trong tổng số 108 lưu vực sông có 33 lưu vực sông lớn, liên tỉnh, với 3.140 sông (chiếm 91% số lượng sông của cả nước), tổng diện tích lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta khoảng 306,44 nghìn km2, bằng 92,6% diện tích đất liền cả nước. Trong đó, có 13 lưu vực sông lớn và quan trọng gồm: lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Bằng Giang – Kỳ Cùng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn – Hà Thanh, Ba, Sê San, Srê Pốk, Đồng Nai, Mê Công.

Các sông lớn bắt nguồn từ nước ngoài rồi chảy qua nước ta ra biển như sông Hồng, Cả, Mê Công hay có một đoạn ở trung lưu chảy qua Lào như sông Mã. Đặc biệt, các sông Kỳ Cùng, Bằng Giang tuy bắt nguồn ở nước ta nhưng chảy sang Trung Quốc.

Cùng với các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực hành động nhằm bảo vệ và khôi phục các dòng sông, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều quyết sách quan trọng và hành động thiết thực để bảo vệ, hồi sinh mạch nguồn sự sống của Trái đất.
Theo đó, nhằm xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh giai đoạn đến năm 2025 để cụ thể hóa nội dung quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 6/2/2024 phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định nêu rõ, xây dựng, duy trì vận hành hệ thống thông tin, mô hình toán để hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông: Bằng Giang – Kỳ Cùng, Hồng – Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn – Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai, Cửu Long theo thời gian thực. Cùng với đó, nghiên cứu, nâng cao hiệu quả việc điều tiết để tăng khả năng tích trữ nước của các hồ chứa thủy lợi; nghiên cứu các giải pháp trữ lũ, giữ nước ngọt, tích trữ nước nhằm khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn…

Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, về tổ chức thực hiện, Quyết định nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý và tổ chức thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn theo thẩm quyền, bảo đảm sử dụng nguồn nước hiệu quả, tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước và thực hiện các phương án điều hòa, phân phối, bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2024, để nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước của các hồ chứa và trên các lưu vực sông, bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ở hạ du các lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý, vận hành các công trình thủy lợi phía hạ du theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, dự báo, tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành, điều tiết hồ. Đồng thời, cung cấp thông tin, số liệu theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa; bảo đảm yêu cầu cấp nước an toàn cho hạ du các lưu vực sông đến cuối mùa cạn 2024.

Nguồn: Diệu Thúy – Cục quản lý tài nguyên nước