Các chuyên gia góp ý xây dựng dự luật cấp thoát nước
Luật Cấp, thoát nước tiếp tục được thảo luận và góp ý xây dựng để hoàn thiện
Dự luật cấp, thoát nước đang trong quá trình hoàn thiện khi được lấy ý kiến từ các chuyên gia trong hội thảo vào ngày 21/4/2023 tại Đà Nẵng do Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) tổ chức.
Ảnh: Hội Cấp thoát nước Việt Nam
Đây là một sự kiện nằm trong lộ trình Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và được đặt mục tiêu phải trình Quốc hội trong giai đoạn 2024-2025. Bộ Xây dựng sẽ có trách nhiệm rà soát, tổng hợp và xây dựng dự thảo để trình Chính Phủ trước ngày 1/11/2023.
Thực trạng ngành Nước ở Việt Nam:
Trong thời đại công nghiệp hóa, đô thị hóa, lượng nước thải toàn quốc lớn hơn nhiều khả năng xử lý. Ngoài ra, các dự án cấp, thoát nước còn gặp nhiều khó khăn và thách thức trong việc quản lý, đầu tư và xây dựng.
Vì vậy, để phát triển ngành Nước quốc gia một cách bền vững, sự hoàn thiện hành lang pháp lý là điều cực kỳ quan trọng và cần thiết.
Luật Cấp, thoát nước được coi là động lực quan trọng để chính quyền Trung ương và địa phương xây dựng, phát triển hệ thống cấp, thoát nước nhằm:
- Phục vụ nhu cầu thiết yếu và bảo vệ sức khỏe cho người dân
- Góp phần phát triển kinh tế – xã hội
- Tích cực hội nhập quốc tế.
Trưởng Phòng Quản lý cấp nước (Cục Hạ tầng kỹ thuật) Nguyễn Minh Đức nêu 5 nhóm vấn đề gồm:
- Phát triển hệ thống cấp thoát nước đồng bộ, thống nhất và hiệu quả;
- Quản lý vận hành công trình cấp thoát nước;
- Quản lý dịch vụ cấp thoát nước;
- Tài chính trong hoạt động cấp, thoát nước;
- Quản lý nhà nước về cấp, thoát nước.
Dữ liệu và thông tin:
Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu và thông tin về cấp, thoát nước và xử lý nước thải hiện còn thiếu và không đồng bộ, dẫn đến sự khó khăn trong việc quản lý, gây khó khăn cho việc quản lý, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, khai thác và vận hành công trình cấp, thoát nước.
Do đó, cần quy định trách nhiệm cho các đơn vị được giao nhiệm vụ cấp, thoát nước để xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống và hạ tầng cấp, thoát nước theo quy hoạch vùng an toàn. Ngoài ra, các đơn vị phải nghiêm chỉnh chấp hành thủ thục, trình chính quyền địa phương, sau đó mới được thực hiện đầu tư và xây dựng – Ông Hồ Minh Nam (Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng).
Bên cạnh đó, khái niệm ‘nước sạch nông thôn’ và ‘nước sạch đô thị’ vẫn còn tồn đọng. Việc lập định hướng, chương trình và quy hoạch cấp nước khu vực đô thị hiện đã tách khỏi khu vực nông thôn. Tuy nhiên, việc quản lý, đầu tư phát triển cấp nước giữa đô thị và nông thôn còn nhiều hạn chế, đầu tư chồng chéo, chưa hiệu quả, công trình không bền vững bởi 2 lí do:
- Đầu tư phát triển thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng được yêu cầu. Thiếu các cơ chế chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa, đầu tư theo hình thức PPP.
- Nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp về tầm quan trọng về đầu tư xây dựng công trình thoát nước còn hạn chế.
Luật Cấp, thoát nước được hoàn thiện kỳ vọng sẽ loại bỏ sự phân biệt giữa ‘nước sạch đô thị’ và ‘nước sạch nông thôn’, thống nhất chung là nước sạch áp dụng cho cả thành thị và nông thôn.
Giá nước sạch và xử lý nước thải
Ngoài ra, vấn đề giá nước sạch, xử lý nước thải còn nhiều vướng mắc. Theo quy định, hộ gia đình cần xử lý nước thải sơ bộ trước khi thải vào hệ thống thu gom. Tuy nhiên, chưa có quy định hay hướng dẫn rõ ràng về việc xử lý đúng cách cũng như chưa quy định rõ việc quản lý hạ tầng thoát nước hay thiếu quy định về giá nước sạch đối với hệ thống cấp nước liên tỉnh, thành phố.
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật) cho rằng cần nhấn mạnh vấn đề đầu tư xây dựng trong dự luật, vì mỗi lĩnh vực đầu tư thoát nước và cấp nước là không giống nhau.
Đối với cấp nước nên có quy hoạch chuyên ngành cấp tỉnh, còn thoát nước thì dùng quy hoạch thủy lợi tưới tiêu vì vấn đề thoát nước không thuần túy là xử nước thải mà còn phải xử lý thoát nước mưa.
Dự luật cần có các quy định về cấp nước theo hướng đầu tư phát triển cấp nước theo quy hoạch, định hướng, chương trình;
- Quản lý rủi ro trong hoạt động cấp nước;
- Đổi mới quản lý dịch vụ cấp nước bảo đảm hài hòa lợi ích an sinh xã hội và sản xuất kinh doanh hiệu quả;
- Bảo đảm tài chính trong hoạt động cấp nước hướng tới phát triển bền vững;
- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp nước.
Nguồn: Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam